Logo Website

ĐÀO NHÂN

16/07/2020
Đào nhân có tên khoa học: Prunus persica (L.) Batsch, họ Hoa hồng (Rosaceae). Công dụng: Kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, hòn cục bĩ khối, sưng đau do sang chấn, táo bón.

ĐÀO NHÂN (桃 仁)

Semen Persicae

Tên khácĐào, Co tào (Thái), Mạy phăng (Tày), Kén má cai, Phiếu kiào (Dao)

Tên khoa học: Prunus persica (L.) Batsch, họ Hoa hồng (Rosaceae). 

Tên đồng nghĩaAmygdalus persica L.; Amygdalus persica var. aganonucipersica (Schübl. & G.Martens) T.T.Yu & L.T.Lu; Amygdalus persica var. compressa (Loudon) T.T.Yu & L.T.Lu; Amygdalus persica var. scleronucipersica (Schübl. & G.Martens) T.T.Yu & L.T.Lu; Amygdalus persica var. scleropersica (Rchb.) T.T.Yu & L.T.Lu; Persica platycarpa Decne.; Persica vulgaris Mill.; Persica vulgaris var. compressa Loudon; Prunus daemonifuga H.L‚v. & Vaniot; Prunus persica (L.) Stokes; Prunus persica (L.) Siebold & Zucc.; Prunus persica f. aganonucipersica (Schübl. & G.Martens) Rehder; Prunus persica var. compressa (Loudon) Bean; Prunus persica var. lasiocalyx H.L‚v. & Vaniot; Prunus persica var. persicaPrunus persica var. platycarpa (Decne.) L.H.Bailey; Prunus persica subsp. platycarpa (Decne.) D. Rivera, Obón, S. Ríos, Selma, F. Mendez, Verde & F.Cano; Prunus persica f. scleropersica (Rchb.) Voss    

Bộ phận dùng: Nhân hạt (Semen Persicae) đã phơi khô lấy từ quả chín của cây Đào. Lá và hoa cũng thường được dùng.

Mô tả :

Cây: Cây nhỏ, cao 3-4m, thân nhẵn, thường có chất nhầy đùn ra gọi là nhựa đào. Lá đơn,  thuôn dài có cuống ngắn, mọc so le, phiến lá dài 5 - 8cm, rộng 1 - 1,5cnl, mép lá có răng cưa nhọn, khi vò có mùi Hạnh nhân. Hoa đơn độc, màu hồng nhạt, 5 cánh, nhiều nhụy, quả hạch hình cầu, đầu nhọn có một ngấn lõm vào chạy dọc theo quả, vỏ ngoài có lông rất mịn. Lúc non màu xanh nhạt, khi chín lốm đốm đốm.

Đào nhân: Hạt hình trứng dẹt, dài 1,2 - 1,8 cm, rộng 0,8 - 1,2 cm, dày 0,2 - 0,4 cm. Mặt ngoài có màu nâu vàng đến nâu đỏ, có những nốt sần nhỏ nhô lên. Một đầu nhọn, một đầu tròn, phần giữa phình to, hơi lệch, bờ cạnh tương đối mỏng. Đầu nhọn có rốn hình tuyến ngắn. Đầu tròn có màu hơi thẫm, có hợp điểm không rõ, từ hợp điểm toả ra nhiều bó mạch dọc. Vỏ hạt mỏng, hai lá mầm màu trắng, nhiều chất dầu. Mùi nhẹ, vị béo, hơi đắng.

Sơn đào nhân: Hạt hình trứng, dài 0,9 cm, rộng 0,7 cm, dày 0,5 cm.

Phân bố, sinh thái: Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi, nhất là Lạng Sơn, Sapa, Nghĩa lộ miền Bắc Việt Nam. 

Cây đào có nguồn gốc ở Trung Quốc, sau được đem trồng ở nhiều nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Mianma... ở các nước vùng Đông Nam Á, đào chỉ trồng được ở vùng núi cao. Ở Việt Nam, đào là cây trồng cổ xưa, có nhiều ở các vùng núi cao từ 800 đến 1600m như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái (vùng Nghĩa Lộ cũ) và Sơn La... Các tỉnh vùng núi thấp, trung du và đồng bằng cũng có trồng, nhưng ít quả và chất lượng quả không ngon. Đào trồng ở Trung Quốc cũng như ở Việt nam hiện nay gồm nhiều giống. Riêng vùng Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) có ít nhất 4 loại. Mỗi loại có sản lượng, chất lượng quả khác nhau. Song nhìn chung, đào là cây ưa khí hậu ẩm mát quanh năm. Cây rụng lá vào mùa đông, chịu được băng tuyết, đến mùa xuân, từ các chồi ngủ, lá non xuất hiện đồng thời với các chồi hoa ờ cành già (thường là loại cành xuất hiện từ năm trước). Hoa nở rộ trong vòng 10-15 ngày, nếu gặp mưa sản lượng quả sẽ giảm. Mặt khác, quả già hoặc sắp chín thường bị ong châm. Thực chất đó là do côn trùng đẻ trứng vào quả. Khi trứng nở thành ấu trùng (sâu) đục khoét vào quả, làm quả rụng hàng loạt hoặc không ăn được.

Trồng trọt:

Đào là cây ôn đới, có nhu cầu lạnh cao. Nhu cầu về lạnh cho nụ hoa là từ 200 đến 1000 giờ ở nhiệt độ thấp dưới 7,2°C. Số giờ cần cho việc ra lá còn nhiều hơn nữa, vì vậy đào nở hoa trước, ra lá sau. ở Việt Nam, đào chỉ trồng được ở phía bắc, từ Nghệ An trở ra.

Đào được nhân giống bằng cách ghép mắt hay ghép cành lên đào hoặc mận. Nên dùng cây đào dại quả nhỏ mọc nhiều ở vùng núi cao để làm gốc ghép vì dễ kiếm, dễ nảy mầm, ghép dễ sống, cây khoẻ, chóng được thu hoạch. Hạt của các giống đào quả to khó mọc, không nên dùng.

Quả đào dại cần để chín trên cây, hái về bóc lấy hạt, rửa sạch, phơi trong râm 3-4 ngày (không phơi nắng). Sau đó đem ủ trong cát ẩm 3-4 tháng ở nhiệt độ thấp (thường lợi dụng ủ vào mùa đông), sang xuân, đem gieo ở vườn ươm. ớ miền xuôi, có thể lấy hạt đã ủ như trên ở miền núi về gieo, không nên dùng cây mọc tự nhiên dưới gốc đào. Đất vườn ươm cần chọn đất tốt, cao ráo, có điều kiện tưới tiêu thuận lợi. Hạt đào được gieo với khoảng cách 30 x 30cm. Khi cây con có đường kính thân khoảng Icm (tháng 9-10), tiến hành ghép. Sau 2-3 tuần, vết ghép sẽ liền, 1,5-2 tháng có thể cắt cụt thân gốc ghép, mầm ghép sẽ mọc và trở thành cây giống. Đến tháng 11-12, khi cây ngừng sinh trưởng, đánh đi trồng.

Đất trồng đào quan trọng nhất là phải thoát nước và dãi nắng. Đất nặng không thích hợp để trồng đào. ở miền núi, những chân đồi thoai thoải về phía bắc, bờ suối nhiều mùn là những chỗ trồng đào rất tốt. Đào chịu được đất đá vôi nhưng nhiều vôi, pH > 7 dễ làm đào vàng lá do thiếu sắt. Đất sâu và tốt sẽ giảm được lượng phân bón.

Khi trồng, đào hố sâu 30cm, rộng 30-40cm với khoảng cách 2-3m nếu trồng thành hàng ven suối hoặc với mậl độ từ 300 đến 900 cây/ha nếu trồng thành vườn, tuỳ theo từng giống. Trộn 2-3kg phân chuồng hoai mục với đất và đặt cây giống. Chú ý không được trồng sâu vì dễ bị bệnh. Khi trồng, cần để cổ rễ cao hơn mặt đất, khi lún xuống cổ rễ cũng phải cao hơn hoặc ngang mặt đất. Những ngày đầu cần tưới đủ ẩm cho tới khi cây bén rễ.

Sau khi trồng 2-3 năm, đào bắt đầu cho quả, 5-6 năm có sản lượng kinh tế và sau 8-10 năm đã già cỗi. Những năm đầu, cần giữ cho vườn đào sạch cỏ và bổ sung phân để cây sinh trưởng. Khi cây ra quả, cần bón nhiều phân, bón ít thì chóng cỗi. Hàng năm, vào tháng 7, sau khi thu hoạch quả, cầĩi bón cho mỗi hecta ít nhất 15 tấn phân chuồng thật hoai mục. Người ta đã tính muốn có 25 tấn quả tươi/ha, phải bón 250-80-180 kg NPK và mỗi tấn quả thu hoạch thêm phải bón 4-1- 3,5 kg NPK. Chú ý không bón vôi hoặc phân có vôi cho đào.

Đào cần được đốn hàng năm vào tháng 12-1, khi đã phân biệt được nụ hoa và nụ lá sau kỳ nghỉ đông. Chú ý đốn những cành sinh trưởng quá mạnh phía trên, giữ lại những cành ở phía dưới. Đào chỉ ra hoa trên cành vụ trước, vì vậy cầĩi làm cây ra nhiều cành năm trước, năm sau mới có nhiều hoa, quả. Ở Việt Nam, nhiệt độ và độ ẩm (kể cả ở vùng núi cao) vẫn còn cao so với yêu cầu của cây đào, vì vậy thường có nhiều sâu bệnh, về sâu, có rệp hút nhựa làm xoăn lá, rầy, nhện đỏ hại lá, sâu đục thân, đục ngọn. Các bệnh có bệnh phồng lá (Taphrina deformans), bệnh thối nâu, bệnh chảy gôm.

Quả đào được thu hoạch khi vỏ quả chuyển màu hồng, thịt mềm, có mùi thơm. Nếu vận chuyển đi xa, cần thu hoạch sớm hơn.

Thu hái, sơ chế: Hạt thu hoạch vào mùa thu, đập vỡ vỏ lấy nhân gọi là Đào nhân. Phơi khô. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi.

Bào chế: 

Đào nhân: Hạt đã loại bỏ tạp chất, khi dùng giã nát.

Đàn đào nhân: Lấy đào nhân sạch, loại bỏ tạp chất, cho vào nồi nước sôi, đun đến lúc vỏ ngoài hơi nhăn lại thì vớt ra, ngâm vào nước lạnh, bóc vỏ ngoài, phơi khô, khi dùng giã nát.

Sao Đàn đào nhân: Lấy Đàn đào nhân, cho vào nồi sao nhỏ lửa đến khi nhân có màu vàng, lấy ra để nguội, khi dùng giã nát.

Thành phần hoá học: Dầu béo (50%), amygdalin (3,5%), tinh dầu (0,5%), emunsin.

Thịt quả đào chứa chất màu (carotenoid, lycopen, cryptoxanthin, zeaxanthin), 15% đường, acid hữu cơ (acid citric, taitric), vitamin C, acid chlorogenic, ít tinh dầu (trong đó có acetaldehyd ester của linalol, acid acetic, acid valerianic, acid caprylic). Theo tài liệu nước ngoài, thịt quả chứa 86% nước, 1,2% protein; 0,3% lipid; 1,2% chất sợi; 10,5% glucid; 0,8% chất vô cơ (Ca, Mg, Fe, Na, Cu, S), vitamin B1, B2, C, đường, acid pectic, tanin (ít), leucoxanthoxyan. Có chủng loại đào chứa vitamin A. Ngoài ra còn có ester của linalol với acid formic, acetic, pentanoic, octanoic, các chất bay hơi (γ hexalacton, γ heptalacton, γ octalacton, γ nonalacton, δ decalacton, ethanol, hexanol. alcol benzylic, acetaldehyt benzaldehyd, acid acetic, acid pentanoic, acid hexanoic, formaldehyd. acetat methyl, acetat ethyl, acetat pentyl, acetat hexyl, acetat trans-2-hexenyl, acetat benzyl, benzoat ethyl, benzoat hexyl). Theo Trung dược từ hải trong đào có kaempferol, coumarin, trifolin, multiflorin A, multiflorin B 24 methylen cycloartanol, 7 dehydroarsenasterol, prunasin, amygdalin, α citrostadienol, 4α methylstigmasta 7Z 24 (28) dien 3ß ol, stigmasta 7Z 24 (28) dien 3 ß ol,... (Trung dược từ hải I, 1956; II 2002-2005; III 1301).

Thành phần đường của pectin trong quả đào gồm galacturonic, arabinose, rhamnose, và của hemicelulose gồm xylose, glucose, fucose (CA, 127, 1997 305435 b).

Hạt đào chứa 50% dầu béo, 3,5% amygdalin, 0,4- 0,70% tinh dầu, men emulsin, acid prusic, cholin, acetylcholin. Dầu béo chiết được từ hạt đào có tỷ trọng ở 20°C 0,914, chỉ số khúc xạ 1,4692, chỉ số acid 108,5, chỉ số peroxyd 0,72, chỉ số iod 104, chỉ số xà phòng 186, phần không xà phòng hoá 0,85%.

Các acid béo gồm palmitic, arachidic, palmitoleic, oleic, linoleic, gadoleic, licosatrienoic.

Các sterol gồm cholesterol, Delta(5)-campesterol, ß-sitosterol, Delta(5)-avenasterol, Delta(7)-sligmaslerol (CA. 126 1997 44908 b)

Hoa đào chớm nở chứa glucosid, trifolin.

Lá đào chứa amygdalin, tanin, eoumarin, chất vô cơ, trong lá gồm K, Mg, Sr, Fe, Cu, Mn, Zo (CA. 125. 1996 81021g). Ngoài ra còn có 3 loại men pectin esierase (PE1 - PE3) (CA. 122, 1995 27819 y).

Nhựa đào chứa L- arabinose, D-xylose, L-rhamnose và acid D-glucuronic.

Tác dụng dược lý:

1. Tác dụng ức chế sự đông máu: Thí nghiệm trên thỏ, nước sắc đào nhân cho thẳng vào dạ dày, mỗi ngày một lần, liên tục trong 7 - 8 ngày, có tác dụng kéo dài một cách rõ rệt thời gian chảy máu (trước lúc dùng thuốc : 58,89 ± 10,63 giây, sau khi dùng thuốc : 87,00 ± 35,54 giây) và thời gian đông máu (trước lúc dùng thuốc : 51,43 ± 43,91 giây, sau khi dùng thuốc 162,47 giây)

2. Tác dụng chống viêm: Theo tài liệu Trung Quốc, 2 nhóm protid F (có 18 acid amin) và G (có 17 acid amin) từ đào nhân đều có tác dụng chống viêm tai chuột do hoá chất gây nên. Còn theo y văn Nhật Bản, các thành phân protein PR-A và PR-B từ đào nhân có tác dụng ức chế rõ rệt phù gan bàn chân chuột do caragenin gây nên.

3. Tác dụng chống dị ứng: Dạng chiết nước và chiết cồn lừ đào nhân thí nghiệm trên chuột công trắng và chuột nhắt trắng có tác dụng chống dị ứng qua quá trình ức chế sự sản sinh ra kháng thể.

4. Tác dụng sát trùng: Cao lá đào cho vào môi trường nuôi cấy roi trùng với các nồng độ 10%, 5% và0,6%, sau 24 giờ tiếp xúc, tác dụng diệt roi trùng đạt được với các tỷ lệ tương ứng là 100%, 100% và 98%. Ngoài ra, nước ngâm lá đào (1%) có tác dụng diệt cung quăng đến 95% sau 24 giờ tiếp xúc, còn với nồng độ thấp (0,25-0,5%) tác dụng không rõ.

5. Tác dụng đối với huyết mạch: cồn chiết xuất Đào nhân có tác dụng chống đông máu yếu, giãn mạch, tăng lưu luợng máu, tăng mức cAMP trong tiểu cầu, ức chế máu ngưng tụ, co tử cung, cầm máu đối với sản phụ sinh con so (Trung Dược Học).

6. Do thành phần dầu lipid của Đào nhân chiếm đến 45% vì vậy Đào nhân có tác dụng nhuận trường (Trung Dược Học).

7. Nước sắc Đào nhân có tác dụng kháng viêm ở giai đoạn đầu đối với súc vật thực nghiệm (Trung Dược Học).

8. Nước sắc Đào nhân có tác dụng giảm ho (Trung Dược Học).

9. Glucosid Khổ hạnh nhân có tác dụng ức chế tế bào ung thư có chọn lọc (Trung Dược Học).

Tính vị: Vị ngọt, đắng, tính bình (Trung Dược học)

Quy kinh: Tâm, Can, Tiểu đường (Trung Dược học)

Công năng: Hoạt huyết, trừ đàm, nhuận tràng, thông đại tiện.

Công dụng: Kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, hòn cục bĩ khối, sưng đau do sang chấn, táo bón.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6 - 12g, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc:

1. Chữa bệnh phụ khoa:

+ Đào nhân, Đương qui đều 10g, Hồng hoa, Tam lăng đều 5g, sắc nước uống trị chứng kinh bế do huyết ứ.

+ Sinh hóa thang (Cảnh nhạc toàn thư): Đương qui 32g, Đào nhân 12g, Xuyên khung 12g, Chích thảo 2g, Bào khương 2g, sắc nước uống hoặc ho thêm ít rượu sắc uống. Trị chứng sau sinh đau bụng do huyết ứ. Bài thuốc còn có tác dụng tăng sữa cho người mẹ.

+ Đào hồng tứ vật thang (Y tông kim giám): Đương qui 12g, Sanh địa 16g, Xích thược 12g, Xuyên khung 8g, Đào nhân 12g, Hồng hoa 8g, sắc nước chia 2 lần uống. Trị rối loạn kinh nguyệt, kinh bế, đau kinh do huyết ứ.

2. Chữa táo bón:

+ Nhuận tràng hoàn: Hạnh nhân, Đào nhân, Hỏa ma nhân, Đương qui đều 10g, Sanh địa 15g, Chỉ xác 10g, tán bột mịn luyện mạt làm hoàn, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần hoặc sắc uống.

+ Ngũ nhân hoàn (Thế y đắc hiệu phương): Đào nhân 20g, Hạnh nhân 12g, Bá tử nhân 12g, Tùng tử nhân 4g, Uất lý nhân 1g, Trần bì 8g, Mật làm hoàn, mỗi lần uống 4 - 8g. Trị chứng táo bón ở người già, phụ nữ sau sinh.

3. Chữa viêm tắc động mạch: 

+ Đào nhân, Hồng hoa, Đương qui, Đan sâm, Xuyên khung, Xích thược, Ngưu tất, Kim ngân hoa, Huyền sâm đều 10g, Địa miết trùng, Tam lăng, Nga truật đều 6g, Địa long 10g, Thủy điệt, Manh trùng, Sanh cam thảo đều 3g sắc uống.

4. Chữa lở loét, sưng bỏng: Dùng một ít Đào nhân nghiền nát rồi đem đắp vào vị trí bị lở loét và sưng đau mỗi ngày.

5. Chữa các vết thương do té ngã, bị đánh đập:

Dùng Đào nhân, Kinh giới, Đại hoàng, Đương uy mỗi vị 12 gram; Giá trùng, Xuyên khung, Quế tấm mỗi vị 6 gram cùng với 4 gram Cam thảo và 8 gram Bồ hoàng. Đem các vị thuốc trên sắc cùng với nước đồng tiện để dùng.

6. Chữa sốt rét:

Dùng 100 hạt Đào nhân đã tách bỏ vỏ, cho thêm một ít sữa tươi, rồi nghiền nát thành cao. Thêm 12 gram Hoàng đơn vào hỗn hợp trên rồi hoàn thành viên có kích thước bằng hạt ngô đồng, dùng mỗi lần 3 viên cùng với nước nóng.

7. Chữa đau tim đột ngột:

Dùng 7 hạt Đào nhân tách bỏ vỏ, nghiên nát thành vụn rồi sắc cùng với một chén nước để uống.

8. Chữa phong, mang lại một làn da mịn màng:

Dùng 5 chén Đào nhân, tách bỏ vỏ, ngâm cùng với một lượng nước cơm gạo nếp, nghiền nát rồi vắt lấy phần nước. Đem phần nước vắt được đem chưng nóng, sử dụng dung dịch trên để rửa mặt mỗi ngày.

9. Chữa phong lao, sưng đau bụng dưới hoặc thắt lưng:

Dùng một lượng Đào nhân đã bỏ vỏ, rồi đem rang đen, sau đó nghiền nát thành cao. Dùng một ít rượu trộn đều để uống cho cơ thể thoát mồ hôi.

10. Chữa chứng hoang tưởng:

Dùng một lượng Đào nhân vừa đủ, đem rang vàng rồi tách bỏ vỏ và đầu nhọn. Đem lượng Đào nhân vừa chế biến được sắc cùng với nước Đồng tiện để uống.

11. Chữa liệt nửa người:

Dùng 2700 hạt Đào nhân, tách bỏ vỏ và đầu nhọn đem ngâm cùng với rượu trong thời gian khoảng 21 ngày rồi đem ra phơi khô, tán thành bột mịn rồi hoàn thành viên có kích thước bằng hạt ngô. Người bệnh sử dụng 20 viên cho mỗi lần uống, uống cùng với rượu nóng.

12. Chữa ho đột ngột:

Dùng 3 chén Đào nhân (tách bỏ vỏ) giã vụn rồi đem nấu chín, sau đó đem phơi khô, cho một lượng vừa đủ vào một túi vải sạch, ngâm cùng với hai chén rượu trong khoảng thời gian là 7 ngày để dùng. Sau khoảng thời gian ngâm, người bệnh dùng mỗi ngày 4- 5 chén nhỏ để trị ho đột ngột.

13. Chữa ho lao:

Dùng 120 gram hạt Đào nhân (tách bỏ vỏ và đầu nhọn), 1 gan heo, 5 chén nước Đồng tiện. Đem các nguyên liệu trên cho vào nồi để nấu khô hét nước rồi sử dụng cối để giã nát, sau đó hoàn thành viên có kích thước bằng hạt ngô. Sử dụng 30 viên cho mỗi lần uống, uống cùng với nước nóng.

14. Chữa ho lao, khí huyết không thông, sức khỏe xuống dốc:

Dùng 40 gram Đào nhân bỏ vỏ và đầu nhọn, rồi đem giã vụn, đem sắc cùng với 1 chén nước gạo rồi nấu cháo để ăn lúc bụng đói, dùng khi cháo còn nóng.

15. Chữa động mạch viêm tắc:

Dùng Đào nhân, Địa long, Đan sâm, Đương quy, Hồng hoa, Xích thược, Xuyên khung, Ngưu tất, Huyền sâm, Kim ngân hoa mỗi vị 10 gram; Tam lăng, Nga truật , Địa miết trùng mỗi vị 6 gram cùng với Thủy điệt, Manh trùng và Cam thảo mỗi vị 3 gram. Đem một thang thuốc trên sắc để lấy nước dùng.

16. Chữa ho, suyễn gây tức ngực:

Dùng 120 gram Đào nhân (tách bỏ vỏ và đầu nhọn) cùng với một tô nước lớn, nghiền lấy nước cốt, sau đó trộn cùng với hai chén nước cơm để nấu cháo, nên dùng khi cháo còn nóng.

17. Chữa nhức răng, răng bị sâu:

Dùng kim châm vào hạt Đào nhân, đốt lên đèn hoặc rửa cho ra khói, thổi tắt lửa rồi nhét vào vị trí răng đau rồi ngậm đến khi cơn đau dịu hẳn là được.

18. Chữa môi khô, môi nứt, bị khô:

Dùng một nắm hạt Đào nhân đem giã nát rồi trộn cùng với một ít mỡ heo, khuấy đều tay để đạt được độ sền sệt. Đem hỗn hợp trên thoa vào môi mỗi ngày đến khi cải thiện các vết thương.

19. Chữa suy nhược cơ thể, ăn uống không ngon, da đen xám:

Dùng 500 hạt Đào nhân cùng với 120 gram Ngô thù du đem rang với nhiệt độ lớn, tách bỏ vỏ, kiểm tra Đào nhân vàng là được, tắt bếp và nhanh tay cho cho bào bình thủy tinh đậy kín nắp, không cho không khí lọt ra ngoài. Sử dụng để uống mỗi ngày cùng với rượu nóng, uống khi đói hoặc trước bữa ăn 30 phút.

20. Phòng ngừa không khí bị độc, dịch khí khi đi rừng:

Dùng 640 gram Đào nhân cùng với Muối và Ngô thù du mỗi vị 160 gram. Đem các nguyên liệu trên sao vàng rồi cho vào bình thủy tinh kín trong vòng 7 ngày, sau khoảng thời gian sau, loại bỏ muối và ngô thù dụ, tách bỏ vỏ và đầu nhọn, sử dụng mỗi lần 10- 20 hạt.

Chú ý:  

- Không dùng cho phụ nữ có thai.

- Chứng kinh bế, sinh xong đau bụng do huyết hư, táo bón do tân dịch: Không dùng

- Chứng huyết táo, hư: Thận trọng khi cùng

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org